Sợ bị đánh giá kém cỏi, thiếu năng lực
Như Hồng Anh đã từng chia sẻ, dù cho bạn là Best Sales của tháng này nhưng tháng sau bạn vẫn có thể nằm cuối bảng xếp hạng, vậy thì không có điều gì chắc chắn bạn sẽ giữ được phong độ sales tốt nhất khi chuyển từ công ty cũ sang công ty mới – với mọi thứ hoàn toàn mới.
Đó cũng chính là lý do khiến nhiều bạn Sales dù đạt được nhiều thành tích trong quá khứ nhưng vẫn có một nỗi sợ vô hình: sợ bị đánh giá thiếu năng lực.
Vì sao Sales mới thường sợ điều này?
Thứ nhất, nếu bị đánh giá không đủ năng lực hoặc kém cỏi, bạn sẽ không thể vượt qua 2 tháng thử việc. Tất nhiên rồi, thời gian và tiền bạc của công ty cần được đầu tư đúng chỗ, nếu bạn không cho thấy mình xứng đáng thì công ty cũng không thể tin tưởng mà đầu tư vào bạn. Điều này đồng nghĩa với việc cả 2 bên (công ty tuyển dụng và bạn) đều vô tình đang lãng phí tài nguyên cho nhau một cách vô ích.
Thứ hai, danh tiếng của bạn có thể bị ảnh hưởng. Bạn thử tưởng tượng mà xem, ở công ty cũ, mọi người đều quen mặt bạn vì tháng nào bạn cũng nằm trong top được tuyên dương, khen thưởng nhưng khi bạn chuyển việc, bạn thậm chí còn không thể vượt qua nỗi 2 tháng thử việc và nhận được khá nhiều lời nhận xét không như mong đợi. Nếu những người quen biết bạn biết được điều này, ít nhiều bạn cũng cảm thấy có chút bối rối đúng không nào?
Thứ ba, khi nhận cơ hội việc làm mới, đặc biệt là từ công ty khác biệt hoàn toàn so với công ty cũ, bạn phải học mọi thứ từ con số 0. Và sở trường sẽ chỉ được phát huy tối đa nếu gặp đúng môi trường phù hợp, ngược lại, chuyện bạn bị đánh giá thiếu năng lực cũng chẳng phải chuyện bất khả.
Ví dụ: Công ty cũ của bạn theo mô hình B2C (business to customer), bán các chương trình đào tạo tiếng anh trong khi công ty mới lại là B2B (business to business) chuyên cung cấp dịch vụ quyết toán thuế hay bán các sản phẩm trên kênh thương mại điện tử. 2 đối tượng khách hàng khác nhau (một bên là người tiêu dùng cuối cùng, một bên là doanh nghiệp), 2 sản phẩm/dịch vụ không liên quan gì đến nhau, cách thức sales chắc hẳn cũng rất khác…
NHƯNG BẠN CÓ BIẾT
Bill Gates đã từng bị cười nhạo vì không có nổi tấm bằng đại học hay Albert Einstein đã thất bại gần 6000 lần mới chế tạo thành công bóng đèn mà chúng ta vẫn hằng ngày sử dụng?
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo ngay từ vạch xuất phát, miễn là chúng ta nỗ lực hết mình mỗi ngày. Ngay cả Sếp của bạn cũng phải đánh đổi thời gian, mồ hôi, tiền bạc, thậm chí nước mắt… mới có thể đúc kết kinh nghiệm, vững vàng quản lý bạn và team ở thời điểm hiện tại.
Vậy nên, đừng để nỗi sợ của bản thân kìm hãm năng lực thực sự bên trong con người bạn. Hãy chỉ nhìn về mục tiêu, cố gắng nỗ lực làm tốt nhất có thể, tự khắc thời gian thử việc sẽ trôi qua nhanh chóng và Sếp bạn sẽ nhìn thấy được tiềm năng từ chính con người bạn.
Sợ đặt câu hỏi
Có một vấn đề mà có thể bạn không hề chú ý, không chỉ riêng Sales mới mà kể cả những người đã làm việc lâu năm vẫn thường sợ đặt câu hỏi, nhất là đặt câu hỏi với cấp trên.
Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?
Ở góc nhìn của Hồng Anh, nỗi sợ này cho thấy:
(1) Bạn đang sợ người khác chê mình “dốt”
Đặt những câu hỏi quá đơn giản hoặc ngây ngô dễ bị gắn mác là kém cỏi; và bạn sợ bị Sếp mới, đồng nghiệp mới chê cười sau lưng. Thế là bạn tự thu hẹp chính mình trong vỏ bọc “Dạ, em hiểu rồi ạ. Em không có câu hỏi nào cả ạ.” nhưng thực chất, bên trong bạn là cả hàng ngàn câu hỏi chưa tìm được lời giải. Bạn muốn tạo ấn tượng và muốn được mọi người đánh giá bạn là một nhân viên Sales mới sáng dạ, thông minh nên đành dặn lòng “Thôi, mình sẽ tự tìm hiểu vậy” và không dám chủ động đặt câu hỏi.
Và bạn biết đấy khi bạn trả lời “Em hiểu rồi”, điều đó cũng có nghĩa là bạn đang nói với Sếp bạn rằng: bạn hiểu vấn đề và sẽ làm theo đúng theo hướng dẫn. Nên khi bạn làm sai do bạn hiểu chưa kĩ, điều đó sẽ dẫn đến việc bạn đang tự làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chính bạn.
(2) Bạn đang sợ ảnh hưởng người khác
Là nhân viên mới thì trong những ngày thử việc, nhất là ngày đầu tiên, bạn hẳn sẽ thấy hoang mang và ngại đặt câu hỏi. Mọi người xung quanh bạn ai cũng có việc để làm, ai ai trông cũng có vẻ bận rộn, bạn sợ câu hỏi của mình sẽ gây ảnh hưởng và khiến công việc của họ bị chậm trễ. Vì câu hỏi của bạn đâu chỉ có một, bạn có rất nhiều vấn đề thắc mắc mà để giải đáp tường tận, họ có lẽ phải tốn khá nhiều thời gian. Nghĩ vậy, nên bạn giữ lại cho riêng mình.
Tuy nhiên, chính vì bạn không (hoặc ngại) đặt câu hỏi nên cách hiểu của bạn về sản phẩm/dịch vụ hay trước mỗi vấn đề đều ở mức mơ hồ, dẫn đến cung cấp thông tin sai cho khách hàng hoặc đề xuất những khuyến mãi, chiết khấu không hợp lý… Và đáng buồn thay, bạn đang vô tình gây ảnh hưởng đến người khác (Sếp, đồng nghiệp) thật rồi đấy. Giờ thì họ lại chính là người giúp bạn giải quyết những sai lầm bạn đã gây ra.
So với thời gian họ bỏ ra để trả lời mọi câu hỏi của bạn cho đến khi bạn chắc chắn hiểu rõ mọi thứ thì rốt cuộc, họ còn mất nhiều thời gian, công sức (thậm chí tiền bạc) để xử lý vấn đề phát sinh từ nỗi sợ vô cớ này. Vậy bạn có nghĩ mình nên tiếp tục hạn chế đặt câu hỏi trong thời gian thử việc?
Sợ đưa ra phản hồi với cấp trên
Sales mới thường chỉ nhận đánh giá, phản hồi một chiều từ Sếp mà hiếm khi chủ động, mạnh dạn phản hồi lại với cấp trên những suy nghĩ của chính mình. Điều này về lâu dài có thể gây mâu thuẫn ngầm hoặc cảm giác ức chế nếu như cấp trên đưa ra những phản hồi không thực sự xác đáng.
Nhưng nếu bạn không nói ra thì làm thế nào mà cấp trên biết được?
Mặc dù Sếp của bạn trông có vẻ nghiêm khắc và khó gần gũi nhưng rất có thể, ẩn sau vẻ ngoài đấy lại là một con người ấm áp, hết mực quan tâm, lo lắng cho nhân viên. Đừng để cảm giác của bạn đánh lừa.
Nếu bạn có bất cứ ý kiến hay phản hồi, đề xuất nào muốn nói với Sếp của bạn, hãy tự tin trình bày. Đừng e ngại, lo sợ và cũng đừng nhờ người khác trình bày thay bạn. Đây là cơ hội để bạn ghi điểm với Sếp mới về phong thái tự tin và đôi khi là cả tư duy nổi bật mà chính bạn đôi khi cũng không hề nhận ra.
Chẳng hạn: Sếp đặt mục tiêu cho bạn trong tháng đầu phải chốt được 10 hợp đồng mới. Thay vì gật đầu đồng ý ngay, bạn có thể làm rõ thêm một số yếu tố: giá trị hợp đồng như thế nào, bạn có được tìm kiếm thêm khách hàng ngoài danh sách công ty phát không… hoặc bạn cũng có thể “thương lượng” lại với Sếp một con số mà bạn nghĩ là khả thi với tình trạng và khả năng hiện tại của bạn. Nhưng bạn đừng quên, khi bắt tay vào làm việc, đừng bao giờ giới hạn mục tiêu cho chính mình, đó chỉ là những con số tham khảo, nhiệm vụ của bạn là phải nỗ lực để vượt qua mọi mục tiêu, doanh số.
Sợ quyết định chuyển việc này là quyết định không sáng suốt
Chấp nhận cơ hội ở công ty mới nghĩa là bạn phải bỏ qua rất nhiều cơ hội hấp dẫn tại những công ty khác, điều này vô tình tạo nên một nỗi áp lực và nỗi sợ: liệu quyết định chuyển việc này có phải là quyết định sáng suốt hay không?
Nỗi sợ này sẽ khiến bạn bị xoáy vào vòng quay: dò xét – đánh giá – so sánh với những trải nghiệm ở công ty cũ. Và thay vì tập trung làm tốt và thể hiện khả năng của mình, bạn lại lãng phí thời gian vô ích cho những điều phân tâm khác.
Khi bạn rơi vào trạng thái lửng lơ, không tin tưởng chính mình hoặc không chắc chắn về quyết định của mình, đó là một dạng ám thị. Kết quả bạn sẽ khó đạt được doanh số như mong đợi, không vượt qua được thời gian thử việc hoặc nếu có thì cũng khó gắn bó lâu dài với công ty mới.
Đừng sợ quyết định sai, hãy có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Hãy quan sát và tin vào trực giác của chính bạn. Bất kể đây có là quyết định không sáng suốt, công ty mới không phải là điểm đến trong mơ mà bạn đang tìm kiếm thì chí ít, bạn cũng có được kinh nghiệm đắt giá để tạo tiền đề cho những quyết định đúng đắn, phù hợp hơn trong tương lai.
Sợ bị cô lập
Chuyển việc là một quyết định vốn dĩ rất khó khăn và một điều mà các bạn Sales mới thường lo sợ là mình sẽ bị cô lập bởi các thành viên còn lại. Khi không có ai muốn kết nối với bạn thì bạn cũng khó nhận được sự hỗ trợ để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Vì sao lại hình thành nỗi sợ này?
Nỗi sợ này chủ yếu bắt nguồn từ sự khác biệt về văn hóa công ty, văn hóa team và cả sự khác biệt về tính cách của mỗi người. Mặc dù trong quá trình phỏng vấn, bạn đã được sàng lọc về tính cách thông qua những bài test/câu hỏi nhưng điều đó cũng khó mà đảm bảo công ty mới thực sự là một môi trường phù hợp với bạn.
Lời khuyên của Hồng Anh cho những bạn mang nỗi sợ này là: thay vì lo lắng, sợ hãi mình không thể hòa hợp với các thành viên trong team, trong công ty thì bạn hãy tự tin thể hiện chính bản thân mình và khéo léo ứng xử với mỗi tuýp người bạn giao tiếp (bạn có thể xem bài “Đọc vị” 4 nhóm tính cách của con người để tham khảo thêm phần này).
Và đừng ngại theo đuổi môi trường mới, công ty tiếp theo nếu đến cuối cùng, bạn vẫn không tìm được sợi dây liên kết với mọi người dù đã cố gắng hết sức.
Tóm lại, Hồng Anh chỉ muốn nhắn nhủ rằng khi bạn sợ hãi hay lo lắng bất cứ điều gì thì mọi hành động của bạn lại dễ biến những điều bạn lo sợ trở thành sự thật. Vậy nên, bạn hãy thả lỏng tâm trí, đừng nghĩ ngợi quá nhiều hoặc nếu cảm thấy quá khó khăn trong công việc, đừng ngại chia sẻ với Sếp mới, đồng nghiệp mới (hoặc người thân) để tìm kiếm những lời khuyên chân thành, bổ ích.
Bạn là người nhận được offer nghĩa là bạn có năng lực, Sếp và team Sales đều tin tưởng và chờ đợi sự thể hiện của bạn, mọi người sẽ vì mục tiêu chung mà giúp đỡ, hỗ trợ bạn hết mình. Chỉ cần bạn mở lòng thì không còn nỗi sợ nào có thể cản bước bạn trên con đường thành công. Tự tin lên nhé!
Còn chần chừ gì nữa mà bạn không thay đổi? Hãy vượt qua nỗi sợ để chinh phục mục tiêu phía trước nhé. Thành công đang chờ bạn!
Và hãy nhấn like cho bài viết nếu đó từng là nỗi lòng của chính bạn và đăng kí Tiger Sales để cùng khám phá tiềm năng trong nghề Sales của bạn nhé!