“Đọc vị” 4 nhóm tính cách khách hàng qua mô hình DISC

disc-la-gi-thumbnail

Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao mỗi khách hàng bạn gặp lại có một tính cách khác biệt nhau? Nhưng thỉnh thoảng, khi giao tiếp với anh khách hàng B, bạn lại có cảm giác “ngờ ngợ” và nghĩ ngay đến anh khách hàng A có tính cách và hành vi tương tự. Vì sao khách hàng này cởi mở nhưng khách hàng kia lại khó gần, khép kín?

Đừng vịn vào câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” để lý giải. Tính cách con người chỉ xoay quanh 4 chữ cái DISC.

Trong bài viết này, Hồng Anh sẽ lần lượt giúp bạn khám phá các khía cạnh của DISC theo mục lục dưới đây.

DISC là gì?

DISC là mô hình giúp chúng ta phân tích, xác định tính cách của người đối diện thông qua việc quan sát biểu hiện cảm xúc và hành vi của họ. Nhờ vậy, chúng ta có thể trò chuyện với họ thoải mái hơn, thậm chí điều hướng được cảm xúc của họ để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn.

Dựa trên lý thuyết của DISC, tính cách và hành vi của con người chỉ gói gọn trong 4 nhóm sau đây:

Dominance (D) – Thống trị

Nhóm D là những người có tính cách quyết đoán, mạnh mẽ, thẳng thắn, thích kiểm soát, chủ động, luôn hướng đến kết quả, mục tiêu và đặc biệt là thích đi thẳng vào vấn đề. Nhóm này có nhược điểm là dễ nổi nóng, thiếu kiên nhẫn, thích thống trị, thích kiểm soát người khác. Họ là người hay nghi ngờ, đôi khi dễ bị tổn thương.

Influence (I) – Ảnh hưởng

Nhóm I là những người có sức ảnh hưởng, có sức thuyết phục, sáng tạo, truyền cảm hứng, nhiệt tình, hoạt bát, thân thiện, cởi mở, dễ thích nghi, thích sự mới lạ, hướng ngoại và luôn hướng đến con người. Nhược điểm của nhóm này là bốc đồng, thích tám chuyện, dễ xúc động và luôn tạo áp lực cho người khác.

Steadiness (S) – Kiên định

Nhóm S là những người cẩn trọng, ôn hòa, khiêm tốn, kiên nhẫn, trầm tính, dễ hợp tác, đáng tin cậy, giỏi lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nhóm này có nhược điểm là ít nói, ngại đưa ra quyết định, ngại thay đổi, thường không tự tin trước đám đông, sợ mất lòng và luôn né tránh xung đột.

Compliance (C) – Tuân thủ

Nhóm C là những người có tính cách thận trọng, quy củ, tỉ mỉ, chi tiết, chu đáo, cầu toàn, giỏi tính toán, kỷ luật, thích sự logic, rõ ràng, công bằng, giỏi lắng nghe. Nhược điểm của họ là ít nói, nói chậm và không giỏi diễn đạt, đôi khi khiến đối phương cảm thấy khó hiểu.

Vì bảo thủ, cầu toàn và hay phân tích mọi việc nên nhóm người này gặp khó khăn khi đưa ra quyết định nhanh chóng. Khi làm việc với họ cần đưa ra các con số thuyết phục và từng bước làm việc cụ thể.

Nếu nắm vững DISC, bạn hoàn toàn có thể “đọc vị” bất kỳ ai chỉ trong vòng vài phút.

Vậy sẽ thế nào nếu bạn thấy bản thân là tập hợp của 4 nhóm tính cách?

À thì… sự thật là vậy mà.

Trong mỗi một người đều tồn tại 4 nhóm tính cách đan xen, tuy nhiên, thường sẽ có một nhóm tính cách nổi trội hơn hẳn. Điều đó lý giải rằng, khi xem mô hình DISC, bạn hãy chọn ra một (thậm chí là hai) nhóm tính cách có tỷ lệ tương đồng với bản thân cao nhất để xác định tính cách điển hình. Áp dụng tương tự cho những người đối diện.

Ví dụ: Bạn là người bộc trực, thẳng thắn, luôn quan tâm đến mục tiêu, nóng tính, quyết đoán, ra quyết định nhanh chóng nhưng lại có khả năng sáng tạo và thích gây tầm ảnh hưởng lên người khác thì tính cách chủ đạo của bạn thuộc nhóm D, pha lẫn I.

Sự ra đời của DISC

Khái niệm DISC chỉ thực sự phổ biến khi nhà tâm lý học William Marston cho ra đời cuốn sách mang tên “Emotions of Normal People” vào năm 1928. Theo đó, Marston giải thích rằng mọi người thể hiện cảm xúc của họ thông qua 4 loại hành vi: Thống trị (D), Ảnh hưởng (I), Kiên định (S) và Tuân thủ (C).

Tuy nhiên, trên thực tế, nền tảng cho sự ra đời của mô hình DISC đã xuất hiện từ trước Công Nguyên và thời Hy Lạp cổ đại. Cụ thể:

  • Năm 444 trước Công Nguyên, nhà triết học Empodocles cho rằng sự khác nhau về tính cách và cách hành xử của con người là do tác động từ 4 yếu tố: Lửa, đất, khí và nước.
  • Năm 400 trước Công Nguyên, nhà triết học Hippocrates lại cho rằng tính cách con người được hình thành theo 4 hướng: bốc đồng, lạc quan, ít cảm xúc và buồn bã.
  • Năm 1921, Carl Jung – nhà tâm lý học người Thụy Sĩ lại bộc lộ một quan điểm khác. Ông cho rằng tính cách con người gắn liền với dòng suy nghĩ.
 

Tầm quan trọng của DISC

Nghĩ đơn giản thì DISC chỉ là công cụ giúp cải thiện giao tiếp và giúp cho các mối quan hệ xung quanh bạn trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng thật sự, những gì mà DISC mang lại có một “sức nặng” vô cùng to lớn. DISC giúp bạn:

Hiểu rõ bản thân mình là ai

Hiểu mình là yếu tố tiên quyết trước khi bạn muốn hiểu người. Một khi bạn đã biết mình thuộc nhóm tính cách nào, điều gì sẽ khiến bạn có thêm động lực và điều gì sẽ khiến bạn “tuột mood không phanh”… thì bạn hoàn toàn có thể điều khiển cảm xúc và hành vi để luôn giữ cho bản thân ở trạng thái cân bằng và lạc quan nhất có thể.

Tuyển chọn nhân tài

Dù cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng 15 – 30 phút ngắn ngủi nhưng nếu thuần thục DISC, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể nhận ra rằng tính cách của ứng viên có phù hợp với nhóm của họ và văn hóa của công ty hay không để đưa ra quyết định tuyển dụng thành viên đúng đắn.

Hiểu được các thành viên (trước khi họ chính thức đậu phỏng vấn) sẽ giúp cho nhà tuyển dụng tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc gắn kết các thành viên mới và thành viên cũ. Cũng như giúp các thành viên mới sớm hoà nhập được với nhóm của mình và giúp họ có được thành công nhanh chóng với công việc.

Điều hòa các xung đột

Áp dụng DISC vào cuộc sống lẫn công việc, bạn hiểu được mình nên ứng phó như thế nào với người đối diện khi họ nổi cơn thịnh nộ. 

Ví dụ: Khi nổi nóng, nhóm D có xu hướng làm rõ vấn đề ngay tại thời điểm đó, trong khi nhóm S lại âm thầm chịu đựng và tìm người chia sẻ, tâm sự.

Nhóm I lại thích làm mọi việc trở nên phức tạp hoá như thông báo cho cả thế giới biết rằng tôi đang rất giận. Còn nhóm C thì luôn tìm hiểu lí do vì sao, phân tích ai đúng ai sai.

Cải tiến cách làm việc nhóm

Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng trong nhóm, DISC là chất keo giúp cho các mắt xích này trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Khi bạn hiểu tính cách của các thành viên khác (và ngược lại) thì việc giao tiếp sẽ trở nên hiệu quả hơn và đạt được hiệu suất công việc cao hơn.

Quản lý nhóm hiệu quả

Là người lãnh đạo, nếu bạn ứng xử với tất cả thành viên trong nhóm với cùng một công thức thì mãi mãi, bạn chỉ nhận về cùng một kết quả. Thậm chí kết quả ngày càng tồi tệ hơn.

Ví dụ: Doanh thu bán hàng vẫn chỉ xoay quanh con số X đồng từ tháng này qua tháng nọ (trừ một số thời gian cao điểm theo mùa, do biến động thị trường). Các thành viên hết mâu thuẫn vì việc này lại đến mâu thuẫn vì việc khác….

Vậy nên, khi bạn nắm rõ DISC, bạn sẽ có cách quản lý từng thành viên hiệu quả để họ luôn phát huy được tối đa năng lực. Nhóm của bạn luôn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, kể cả trong những mùa thấp điểm.

Ví dụ: Trong chương trình Team Building của công ty, để lựa chọn ra các thành viên có khả năng làm MC truyền năng lượng, nhiệt huyết và khuấy động tinh thần cho các thành viên khác thì nhà lãnh đạo thường ưu tiên chọn mẫu I.

Nhưng nếu giao nhiệm vụ làm báo cáo bản phân tích tài chính năm của công ty thì mẫu người C lại phù hợp do họ đáng tin cậy nhất về độ cẩn thận và chính xác.

Phát triển kỹ năng bán hàng “đỉnh cao”

“Bán hàng như không bán hàng” là phương thức chốt sales hiệu quả nhất. 

Khi làm chủ mô hình DISC, bạn sẽ ngay lập tức biết được khách hàng của mình thuộc nhóm nào, tính cách ra sao, họ dự định nói gì, đâu là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua của họ… để chủ động đưa ra phương án bán hàng phù hợp nhất.

       | Đọc thêm: 6 Cách tìm DM (người có quyền quyết định) để bán hàng nhanh hơn

Ai là người nên sử dụng DISC?

DISC được áp dụng rất linh hoạt và dành cho tất cả mọi người, từ nhân viên đến nhà lãnh đạo.

Một nhà lãnh đạo nhuần nhuyễn DISC ngoài việc giao tiếp khéo léo với các thành viên trong tổ chức, còn có khả năng ra quyết định tuyển dụng người đúng đắn.

Ví dụ: Người thuộc nhóm D thường phù hợp với các vai trò quản lý (nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy hầu hết các CEO trong công ty đều thuộc nhóm này), người nhóm I sẽ phù hợp làm Sales, Marketing, người nhóm S phù hợp với vị trí Nhân sự, người nhóm C lại phù hợp làm Kế toán, phân tích tài chính…

Tất nhiên, sẽ có sự pha trộn giữa các nhóm tính cách trong cùng một con người nhưng nếu nắm rõ DISC trong lòng bàn tay, nhà lãnh đạo hiếm khi đưa ra quyết định tuyển dụng sai lầm.

Tương tự, đối với nhân viên, nếu có thể “điểm mặt, gọi tên” tính cách của từng đồng nghiệp, của từng vị sếp thì tỷ lệ sống sót nơi công sở của họ chắc chắn luôn ở mức “thượng thừa”. Họ còn là những người xác lập nhiều kỷ lục bán hàng nhất bởi vì họ hiểu khách hàng và luôn biến hóa như một chú tắc kè hoa.

Cách áp dụng DISC trong bán hàng

Bên trên là những “phần nổi” của tảng băng chìm về DISC, phần ngay bên dưới đây mới là phần quan trọng mà bạn tuyệt đối đừng-bỏ-lỡ-một-chữ-nào cả nhé: Áp dụng DISC như thế nào để bán hàng thành công?

Để bạn có cái nhìn cận cảnh hơn và hiểu hơn về cách vận dụng DISC trong công việc bán hàng, Hồng Anh sẽ chia sẻ những trải nghiệm thực tế của chính mình khi làm sales tại ITviec, với dịch vụ chính là cung cấp các gói đăng tuyển cho nhà tuyển dụng.

Khi Hồng Anh đi gặp khách hàng để đàm phán và chốt hợp đồng các gói tuyển dụng, 4 nhóm người thuộc 4 nhóm tính cách đặc trưng sẽ có những phản ứng đặc trưng sau đây:

Nhóm D (Thống trị)

Ngay lập tức vào thẳng vấn đề và luôn muốn là người làm chủ buổi đàm phán hay cuộc gọi, không muốn chịu sự kiểm soát của đối phương.

Trường hợp 1:

  • Khách hàng: “Em trình bày nhanh dịch vụ luôn đi. Tí nữa anh còn có buổi họp.”
  • Sales: “Dạ, em hiểu ạ. Vậy để tiết kiệm thời gian, em xin phép trao đổi với anh Tiến Hiệp những nội dung chính của buổi họp ngày hôm nay như sau: 1 là… 2 là… 3 là… Dự kiến sẽ diễn ra khoảng 30 phút. Vậy buổi họp sẽ kết thúc lúc 11h được không anh?”

Trường hợp 2:

  • Khách hàng: “Em không cần phải trình bày nhiều dịch vụ. Anh biết hết dịch vụ của ITviec rồi. Có dịch vụ mới gì thì cập nhật thôi.”
  • Sales: “Dạ, em cảm ơn anh Tiến Hiệp. Như ban nãy em mới nói qua với anh về các dịch vụ mà ITviec đang cung cấp. Hiện tại ITviec đang cho ra mắt dịch vụ cao cấp nhất là AI Match. Đối với dịch vụ AI Match sẽ giúp nhà tuyển dụng…”

Trường hợp 3:

  • Khách hàng: “Anh có 20 vị trí cần tuyển từ nay đến cuối năm, em đưa cho anh phương án tốt nhất luôn nhé.”
  • Sales: Ngay sau khi trao đổi với anh Tiến Hiệp, em sẽ gửi anh đề xuất luôn ạ. Vậy sau khi em gửi đề xuất cho anh, khi nào anh Tiến Hiệp sẽ phản hồi cho ITviec ạ?
  • Khách hàng: “Anh chưa quyết định ngay bây giờ, em cứ gửi lại đề xuất cho anh. HR sẽ báo lại em sau.”

 

Cách ứng phó: Tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt, khéo léo, trả lời đúng trọng tâm, bàn bạc ngay với họ về giá cả và vấn đề mà họ quan tâm và hỏi họ xem câu trả lời của họ là gì. Họ là người đưa ra câu trả lời đồng ý/hoặc không đồng ý mua hàng ngay tại buổi đàm phán hay trong cuộc gọi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chốt được đơn hàng với họ, bạn cần phải nắm được thế chủ động trong các cuộc gọi hoặc khi đàm phán trực tiếp để hướng khách hàng theo đúng quy trình bán hàng của mình. Nếu không, họ là sẽ người làm chủ buổi đàm phán. Và kết quả là, ngày hôm đó bạn sẽ không chốt được hợp đồng.

Cần tránh: Với nhóm này, bạn nên tránh trình bày dài dòng, nói những vấn đề bên ngoài và tám chuyện.

Nhóm I (Ảnh hưởng)

Tạo áp lực bằng những câu hỏi mang tính đề nghị.

  • Khách hàng: “Đợt này bên chị có đang cần gấp 200 bạn Ruby on Rail, Embedded Engineer, Front End… Em gửi phương án tốt nhất cho chị đi. Chị nghĩ là chị xin được Sếp nhưng xem phương án bên em tốt như nào rồi chị mới chốt.”
  • Sales: “Dạ vâng, sau cuộc gọi này, em Hồng Anh sẽ gửi lại cho chị Tố Uyên đề xuất gói tuyển dụng 200 vị trí mà chị em mình đã trao đổi ạ.”
  • Khách hàng: “OK em. Bên chị là khách hàng thân thiết bao năm nay, lại là khách hàng Vip nên nhớ gửi cho chị ưu đãi tốt nhất nhé.
  • Sales: “Dạ, (cười) chị Uyên yên tâm ạ. Lúc nào em Hồng Anh cũng đưa ra những chương trình tốt nhất cho bên mình ạ. Vậy trong trường hợp bên mình đồng ý mua gói 200 vị trí thì quy trình thanh toán sẽ diễn ra như nào ạ? Để em có thể hỗ trợ chị nhanh chóng ạ?”

Cách ứng phó: Hãy cho họ những lựa chọn về sản phẩm/dịch vụ và để họ là người quyết định. Lưu ý là trước đó, bạn nên dành thời gian để “tám chuyện” và khen ngợi họ (về trang phục, thành tích…), thể hiện thái độ hưởng ứng với những gì họ nói. Và đừng quên nhắc đến sản phẩm/dịch vụ và thời gian chốt hợp đồng hoặc quy trình thanh toán xen giữa các câu chuyện.

Cần tránh: Với nhóm này, bạn nên tránh sa đà vào các câu chuyện “trên trời, dưới đất”. Nếu không làm chủ được bản thân, rất có thể bạn và họ sẽ dành cả ngày để “tám” mà không mang lại bất cứ kết quả nào.

Nhóm S (Kiên định)

Với nhóm này, họ thường chú trọng vào sự hợp tác, chân thành và rất đáng tin cậy. Họ cũng thường xuyên tìm động lực của sự thúc đẩy từ đối tác, cộng sự và họ là những người không đưa ra quyết định ngay mà sẽ rất cẩn trọng.

  • Khách hàng: “Chào Hồng Anh, mình là Tú. Chúng ta trao đổi qua điện thoại nhiều rồi giờ mới gặp nhau nhỉ? Anh Giang Giám đốc đang dở họp xíu, khoảng 2 phút nữa anh qua họp nhé. Như hôm qua Tú gọi cho Hồng Anh, tình hình là bên mình đang cần gấp mấy vị trí mới: Devops, Cloud. Java thì vừa tuyển được qua ITviec đó nhưng sếp của mình vẫn đang kêu thiếu người lắm.”
  • Sales: “Chào Tú, Hồng Anh rất vui được gặp bạn. Công nhận là nhìn bên ngoài, Tú xinh và trẻ hơn ý. Uhm đấy, nhắc đến mấy vị trí khó, đó là lý do mà Hồng Anh chủ động qua gặp bạn và anh Giang hôm nay. Tú cứ yên tâm, chút xíu nữa Hồng Anh sẽ giải quyết tất cả các vấn đề khó khăn của bên mình để giúp bạn tuyển được ứng viên sớm nhé.”
  • Khách hàng: “Vậy thì tốt quá rồi. Có gì hỗ trợ bên mình nhé. Tí nữa gặp Sếp mình, Hồng Anh trình bày nhanh chút nhé. Vì khoảng 4:00 PM, anh ấy lại có buổi họp nữa đấy.”

Cách ứng phó: bày tỏ sự quan tâm, hỏi xem khách hàng có đang gặp vấn đề gì mà bạn có thể hỗ trợ hay không và phải tạo niềm tin cho khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của bạn và chủ động giúp họ giải quyết khó khăn.

Cần tránh: Với nhóm này, bạn nên tránh khoa trương về sản phẩm/dịch vụ, đừng tỏ ra quá thân thiết mà hãy từng bước khiến họ cởi mở hơn. Hãy hướng đến việc bạn sẽ tư vấn, hỗ trợ họ như nào trong suốt quá trình dùng sản phẩm/ dịch vụ. Người nhóm S cũng có xu hướng thích “tâm sự” như nhóm I nên hãy cẩn trọng, biết đâu là thời điểm thích hợp để hướng câu chuyện về lại mục tiêu ban đầu.

Nhóm C (Tuân thủ)

→ Đặt hàng ngàn câu hỏi hoài nghi, họ thích những câu hỏi liên quan đến số liệu, những báo cáo chi tiết bởi họ cần bạn chứng minh và đưa ra giải thích vì sao.

  • Khách hàng: “ITviec có bao nhiêu nhân viên sales?”
  • Sales: “Dạ, ITviec có X bạn cả Hà Nội và Hồ Chí Minh ạ. Nên với các chi nhánh ở Hà Nội và Hồ Chí Minh của công ty ABC sẽ có các bạn ITviec hỗ trợ khi anh cần ạ.”
  • Khách hàng: “Mấy vị trí anh đang tuyển như Java, PHP có thuộc top skills trên thị trường không? Trên site của ITviec thế nào? Bao nhiêu lượt ứng viên tìm kiếm PHP, Java trong 6 tháng vừa qua?
  • Sales: “Dạ, bây giờ em Hồng Anh sẽ cung cấp đầy đủ cho anh Minh Long các số liệu báo cáo về top skills trên ITviec, tương ứng với đó là trên cả thị trường IT. Số liệu ứng viên tìm kiếm là XYZ…. Mặc dù thị trường luôn có sự chuyển dịch về các ngôn ngữ, tuy nhiên với 2 ngôn ngữ mà bên mình đang cần tuyển thì luôn nằm trong top 10. Nguyên nhân là vì… XXX (bạn đưa lý do cụ thể). Chính vì vậy cho nên anh Minh Long cần phải đăng tuyển vào thời điểm này để có ứng viên đi làm cho kịp dự án chạy trong tháng 8 ạ.”

Cách ứng phó: Hãy dùng số liệu để nói chuyện với nhóm người C. Họ không tin tưởng vào con người, họ chỉ tin vào con số. Vậy nên, hãy chuẩn bị những con số liên quan đến mức độ hiệu quả mà sản phẩm/dịch vụ của bạn mang lại. Đừng quên phân tích chính xác các số liệu, đưa các dẫn chứng chứng minh trong các câu trả lời một cách tự tin. Sự tự tin của bạn về các con số & khả năng phân tích các con số sẽ là điểm cộng khi bạn đàm phán với mẫu người C.

Cần tránh: Với nhóm này, bạn tuyệt đối không được lý thuyết suông. Tránh nói các từ cảm tính như “tôi nghĩ”, “tôi đoán”… vì không tạo được niềm tin.

Hãy nhớ rằng “Những khách hàng khó tính nhất sẽ là những khách hàng trung thành nhất, không bao giờ rời bỏ bạn”. Để có thể làm hài lòng những khách hàng này thì DISC là một thành tố vô cùng quan trọng.

Những hiểu biết và kinh nghiệm xương máu mà Hồng Anh vừa chia sẻ đến bạn về cơ bản chỉ là “tài sản” của riêng Hồng Anh. Nó không bao giờ là của bạn cho đến khi bạn áp dụng nó vào thực tế.

Thay vì lưu lại bài viết này thì tốt hơn hết, bạn hãy đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm chúng đến khi bạn thực sự thuộc lòng. Quan trọng nhất là HÃY BẮT ĐẦU HÀNH ĐỘNG. Có thể từ một việc đơn giản là đoán xem các thành viên trong gia đình bạn thuộc nhóm tính cách nào của DISC.

Chúc bạn nhiều thành công.

Và hãy theo dõi Tiger Sales để cập nhật thêm nhiều bài viết giá trị.

Facebook
LinkedIn

16 bình luận

  1. Bài viết gỡ rối cho tâm lý Sales bán hàng quá. Nhóm DISC này giúp em cảm thấy hiểu khách hàng và làm nghề sales cũng phải có kiến thức chứ không phải cứ đưa sản phẩm ra nói hay là được.

    1. Hồng Anh cảm ơn Trang đã chia sẻ. Hồng Anh hoàn toàn đồng ý về việc làm nghề sales cần phải có kiến thức. Bên cạnh đó, việc hiểu khách hàng qua mẫu người DISC rất quan trọng sẽ giúp Sales bán hàng hiệu quả hơn. Cùng follow Tiger sales để đón nhận thêm nhiều bài viết mới của Hồng Anh nhé.

  2. Nắm được DISC giúp mình có thể hiểu rõ được khách hàng để từ đó mình có thể linh động tư vấn và đưa ra giải pháp cho khách hàng hiệu quả hơn!

  3. Chị ơi, cho em hỏi: Làm thế nào để thuần thục nhận biết mẫu người DISC ạ? Phải luyện tập sao để chỉ cần nói chuyện vài phút là nắm bắt được những mẫu người này? Vì em không làm Sale, vì vậy sẽ ít tiếp xúc với nhiều người. Cảm ơn chị.

    1. Cảm ơn bạn. Trước hết bạn cần nắm chắc lý thuyết cơ bản về DISC. Nhận diện từng tính cách những người trong gia đình theo từng chữ cái D,I,S,C và đọc thật kĩ bài chia sẻ của Hồng Anh sẽ giúp bạn có thể nhận diện được từng mẫu người nha.

  4. trước đây em cũng đc nghe khá nhiều về DISC, nhưng nghe vẫn không hiểu và áp dụng được nhiều. Bài viết của chị rất hay và dễ hiểu, việc của em là nghiên cứu sâu và thực hành vận dụng thôi, hihi.
    tuy nhiên, em thấy không phải ai cũng chỉ có trong mình 1 nhóm tính cách đặc trưng, mà họ có thể bị ảnh hưởng bởi 2 nhóm tính cách. Điều này có đúng ko ạ? và nếu đúng thì có cách nào để nhận diện và phương án ứng phó để chốt sale ko ạ? em cảm ơn chị.

    1. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Mỗi người có thể bị ảnh hưởng bởi 2 nhóm tính cách. Điều đó đúng. Để nhận diện và có phương án ứng phó, bạn cần nắm vững lí thuyết và khéo léo vận dụng linh hoạt những tính cách đặc trưng của mỗi mẫu tính cách. Thực hành nhiều sẽ giúp bạn phán đoán chính xác mẫu người. Chúc bạn thành công nha.

  5. Cám ơn chị Tigersales, bài viết giúp em hiểu ra không phải khách hàng dễ hay khó tính mà là do sales đã có hướng tiếp cận đúng với từng KH chưa. Bài viết rất hữu ích với em ạ. Mong chờ các bài viết khác từ chị ^^

  6. Bài viết hay và có tâm quá. Cám ơn chị đã chia sẽ ạ. Em cũng hiểu về DISC nhưng chủ yếu là lý thuyết và chưa biết các áp dụng thực tế như thế nào cho hiệu quả. Nay đọc được bài của chị giúp em đã nhận ra thêm nhiều ạ.

Bình luận về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Always Be Closing

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỂ NHẬN CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT TỪ HỒNG ANH