Ghi nhớ 8 điều này để “phỏng vấn đâu trúng đó”

phong-van-sales-thumbnail

- Bạn đang tìm một công việc Sales như mơ ước?
- Bạn muốn phỏng vấn ở đâu đều “trúng” tại đó?
- Bạn không biết DM (người có quyền quyết định) họ sẽ chọn ứng viên như thế nào?

Bạn cần biết rằng đầu tư thời gian, công sức cho một buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ứng viên Sales khi đi phỏng vấn một công việc mới chưa thực sự đầu tư vào việc này.

Bạn là Sales, đi phỏng vấn nghĩa là bạn đang bán hình ảnh, năng lực của bạn cho nhà tuyển dụng.

Đừng quên nhà tuyển dụng có rất nhiều sự lựa chọn. Dù cho CV của bạn là hồ sơ duy nhất họ nhận được nhưng nếu không phù hợp, họ chấp nhận tiếp tục để trống vị trí chứ nhất quyết không tuyển bạn.

Họ không chỉ chọn những ứng viên xuất sắc về kỹ năng, thái độ mà còn rất khó tính trong việc tìm ra người phù hợp với văn hóa công ty và tinh thần của team Sales.

Chính việc đầu tư công sức cho buổi phỏng vấn, tạo sự khác biệt và gây ấn tượng mạnh cho nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn trúng tuyển tại một công ty ưng ý, một công việc như mơ.

Sau rất nhiều năm làm công việc phỏng vấn và lựa chọn nhân tài Sales chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp từng làm, Hồng Anh muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cho các bạn Sales khi được mời phỏng vấn (vòng cuối cùng) với nhà tuyển dụng, hay nói chính xác hơn là DM.

Hồng Anh tin rằng nếu các bạn áp dụng và thực hành 8 điều này sẽ giúp bạn “phỏng vấn đâu trúng đó” nhé. Vậy các bạn cần làm gì?

Chuẩn bị

Hãy tìm hiểu kỹ công ty mình sẽ đi phỏng vấn và nhà tuyển dụng (nếu có thể)

Thực tế có rất nhiều bạn Sales chủ quan khi nhận được những cuộc điện thoại của chuyên viên nhân sự.

Bạn nghĩ mình không chủ động tìm việc, được nhà tuyển dụng săn đón nên không cần dành thời gian tìm hiểu về ngành nghề, thị trường, sản phẩm công ty, văn hoá công ty hay đồng nghiệp tương lai.

Và có thể tệ hơn, bạn tin rằng “Nhà tuyển dụng gọi mình nghĩa là hồ sơ mình phù hợp, thế nào cũng đậu phỏng vấn thôi.”

Chính vì vậy khi được hỏi “Em đã tìm hiểu gì về công ty anh/chị?”, “Em hiểu như thế nào về công việc Sales của bên anh/chị qua bản mô tả công việc?”…, bạn tỏ ra lớ ngớ và không biết phải trả lời như thế nào.

Chúc mừng bạn. Bạn mất điểm tuyệt đối rồi đấy.

Ở cương vị một nhà tuyển dụng, Hồng Anh khuyên bạn hãy tìm hiểu kĩ về sản phẩm của công ty mà bạn sẽ phỏng vấn trước 1-3 ngày trước đó.

Điều này giúp bạn có cái nhìn sâu và rộng hơn về dòng sản phẩm trong tương lai bạn sẽ bán (nếu may mắn được chọn).

Qua đó, bạn có thể chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn quan tâm đến vị trí này và nếu chọn bạn, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian để đào tạo bạn về sản phẩm vì bạn đã thu nạp được những kiến thức nhất định trong quá trình tìm kiếm.

Để tránh đầu tư thời gian một cách vô ích, hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng bạn có thực sự hứng thú với dòng sản phẩm/dịch vụ của công ty phỏng vấn.

Nếu câu trả lời là CÓ? Thật tuyệt, hãy tiếp tục.

Nếu câu trả lời là KHÔNG? Hãy gửi email hoặc điện thoại từ chối phỏng vấn và tìm kiếm một công ty khác, nơi có những sản phẩm/dịch vụ khiến bạn tìm thấy sự hứng khởi.

Ngoài ra, hãy áp dụng các chiêu thức tìm thông tin DM mà Hồng Anh đã chia sẻ ở bài trước để hiểu thêm về nhà tuyển dụng – người có thể sẽ trở thành Sếp của bạn trong tương lai. Kết hợp với việc đọc mô hình tính cách DISC, bạn sẽ tự tin và làm chủ buổi phỏng vấn.

Luyện tập trả lời các danh sách câu hỏi về Sales

Thông thường, sẽ có những câu hỏi phổ biến mà bạn không nên mắc lỗi như: thông tin về bản thân, kinh nghiệm làm việc, điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu ngắn và dài hạn, mức lương mong muốn…

Hãy tập luyện trả lời nhiều lần trước gương tại nhà, nhìn biểu cảm, dáng điệu và điều chỉnh sao cho tốt nhất có thể. Bạn cũng có thể quay video và xem lại hoặc nhờ người thân, bạn bè đánh giá để thay đổi sao cho phù hợp.

Hồng Anh nhớ có một ứng viên đã từng trả lời như thế này khi Hồng Anh hỏi về mức lương mong muốn: “Bên chị trả được bao nhiêu? Mà em nói thật, lương đi làm thôi chứ không đủ cho em xài hàng tháng.”

Không cần nói thì chắc bạn cũng đoán được kết quả rồi chứ. Và câu trả lời đó khiến Hồng Anh ấn tượng đến mãi hôm nay, dù không phải theo hướng tích cực.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa trong các buổi phỏng vấn mang tính quyết định với DM (thường là Sales Director), bạn sẽ bị “làm khó” với các câu hỏi tình huống.

Không có một quy chuẩn chung về các tình huống mà họ sẽ đặt ra cho bạn vì hầu hết đều là ngẫu hứng, nhưng phổ biến nhất vẫn là đề nghị “Giả định chị là khách hàng, em hãy tìm cách thuyết phục chị mua [dịch vụ của ITviec]”.

Hồng Anh sẽ chia sẻ chi tiết hơn về phần này ở mục 5 bên dưới.

Đến đúng giờ

Không thiếu những trường hợp ứng viên đến phỏng vấn muộn. Muôn vàn lý do: vì tắc đường, tìm sai địa chỉ và đôi khi chỉ là không tìm được chỗ gửi xe ở toà nhà họ đến phỏng vấn.

Trong trường hợp bạn gặp sự cố bất ngờ thì hãy liên lạc nhanh chóng với chuyên viên nhân sự để thông báo bạn xin phép đến phỏng vấn muộn 5 – 10 phút. Tất nhiên, việc mất điểm trước nhà tuyển dụng vì đến muộn là điều không thể tránh khỏi..

Để hạn chế sai sót đến mức thấp nhất, trước ngày tham gia phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu trước địa chỉ văn phòng của công ty và dự tính lộ trình, thời gian để xuất hiện sớm hơn lịch trình được hẹn. Nếu có những tình huống bất ngờ xảy ra thì bạn vẫn có đủ quỹ thời gian để xoay chuyển tình hình.

Bên cạnh đó, việc bạn có mặt sớm hơn 5-10 phút cho buổi phỏng vấn chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến vị trí tuyển dụng của công ty họ.

Trang phục khi phỏng vấn

Hồng Anh phải thừa nhận là có rất nhiều bạn Sales đi phỏng vấn cũng ít khi đầu tư về hình ảnh, sự chuyên nghiệp và chỉn chu. Có thể vì thiếu kinh nghiệm hoặc cũng có thể họ nghĩ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Nhưng bạn nghĩ thử xem, bạn chỉ có 1 cơ hội duy nhất để gặp nhà tuyển dụng, thời gian cũng chóng vánh, vậy thì làm thế nào để họ biết được bạn “chất” như thế nào?

Đừng đơn giản như vậy. Thứ nhà tuyển dụng đánh giá đầu tiên chắc chắn là “nước sơn”. Nếu trang phục của bạn phản cảm và thiếu chuyên nghiệp, bạn thậm chí sẽ bị từ chối phỏng vấn (nếu gặp nhà tuyển dụng khó tính) chứ đừng bàn đến chuyện phỏng vấn thành công.

Vậy nên, hãy luôn giữ đầu tóc gọn gàng, trang điểm nhẹ (với nữ) và ăn mặc lịch sự, phù hợp từng ngành nghề. Sự ấn tượng về bề ngoài sẽ giúp bạn trở nên khác biệt và thu hút sự chú ý với người đối diện.

Chắc chắn, một bạn ứng viên ăn mặc lịch sự, tươm tất sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng hơn thay vì ứng viên mặc những trang phục không phù hợp khi đi phỏng vấn như quần jean, áo thun, áo hai dây…

Chuẩn bị đầy đủ thiết bị máy móc khi phỏng vấn

Bạn biết đấy, trong thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid như hiện nay thì việc lựa chọn phỏng vấn qua Zoom, Skype.. sẽ là một lựa chọn an toàn và tối ưu cho các nhà tuyển dụng.

Chính vì vậy, việc bạn chuẩn bị thiết bị máy móc, tai nghe, internet, sổ tay, bút và một không gian yên tĩnh khi phỏng vấn là vô cùng quan trọng.

Bạn đừng quên giữ nề nếp trang phục khi phỏng vấn như Hồng Anh đã nhắc ở trên nhé. Dù bạn đang tham gia phỏng vấn tại nhà thì trang phục cũng nên thống nhất từ đầu đến chân, tránh trường hợp trên sơ mi, dưới quần cộc….

Chúng ta không thể biết trước các tình huống xảy ra nên hãy luôn chủ động và chuyên nghiệp mọi lúc

Tự tin và khác biệt

Bạn biết đấy, để được đánh giá cao và trúng tuyển một công việc ưng ý, bạn sẽ phải trải qua hàng ngàn lần “bị quét” bởi đôi mắt tinh tường của nhà tuyển dụng.

Trong suốt buổi phỏng vấn, họ sẽ quan sát từng hành động và thái độ của bạn. Đôi khi, họ thậm chí còn quan sát các cử chỉ không lời của bạn để tránh đưa ra các quyết định sai lầm cho đội ngũ.

Điều duy nhất bạn cần làm là phải thực sự tự tin vào chính mình và tạo sự khác biệt.

Vậy sự tự tin và khác biệt đến từ đâu?

Đến từ cách bạn luôn nở nụ cười, nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng và hào hứng khi trả lời tất cả các câu hỏi của họ. Khi được đặt các câu hỏi bất ngờ, chưa có sự chuẩn bị trước đó, hãy ngừng 2-3 giây và hít 1 hơi để lấy lại bình tĩnh và tiếp tục trả lời.

Các bạn hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng không bao giờ muốn làm khó ứng viên. Về bản chất, họ chỉ đang làm “phép thử” để tìm ra ứng viên phù hợp nhất với team của họ mà thôi.

Chính vì bạn có sự chuẩn bị cho các câu hỏi và luyện tập trả lời tại nhà trước đó nên Hồng Anh tin rằng, bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều khi gặp những tình huống bất ngờ. Đâu đó, cũng sẽ có những câu trả lời bạn đã ghi điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn khác biệt, cá tính, luôn ngập tràn năng lượng tích cực trong từng câu trả lời. Cách bạn hăng say và yêu công việc Sales ra sao, cách bạn đã tìm thông tin về công ty họ và hiểu sản phẩm của họ như thế nào mặc dù bạn là người ngoài ngành.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy những thông điệp tích cực mà bạn muốn gửi tới họ.

Tránh nói những điều tiêu cực

Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt một vài những câu hỏi để đánh giá thái độ của bạn hoặc cách bạn giải quyết tình huống.

Ví dụ: “Em hãy cho anh biết lí do vì sao em rời công ty cũ?”

Một số ứng viên sẽ vội vàng chia sẻ bằng cách phàn nàn về công ty cũ như sau:

“Bởi vì Ban Lãnh Đạo của công ty em có một số chính sách thay đổi nhưng lại không hỏi ý kiến nhân viên trước. Em cảm thấy cách giải quyết của công ty không hợp lý nên em xin nghỉ”.

Hoặc bạn phàn nàn về những thất bại của mình thay vì việc nhìn vào thất bại để thay đổi hành động: “Tại công ty cũ, em được chia danh sách khách hàng không tiềm năng, toàn những khách hàng không có thông tin liên lạc. Công ty cũng không có hỗ trợ các chương trình bán hàng cho khách hàng nên em làm được 5 tháng thì nghỉ ạ.”

Với câu trả lời đầy tính tiêu cực trên, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ cân nhắc việc có nên chọn bạn vào công ty họ hay không.

Nhưng thường thì câu trả lời sẽ là KHÔNG. Vì không ai muốn công ty mình bị ảnh hưởng bởi những người tiêu cực.

Hãy đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

  • “Nếu em được đặt một câu hỏi duy nhất cho anh hoặc công ty, em muốn hỏi câu hỏi gì?”
  • “Dạ, em đã hỏi hết chuyên viên nhân sự và các anh/chị vòng phỏng vấn trước rồi. Nên lúc này em không có câu hỏi nào cả ạ.”

 

Thực tế thì nhà tuyển dụng rất mong chờ bạn sẽ đặt câu hỏi cho họ. Bởi ít nhất, họ muốn biết bạn đang quan tâm điều gì nhất.

Và qua đó, họ sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn để giúp bạn có định hướng tốt hơn trong công việc, cũng như đánh giá xem bạn có xác định làm việc lâu dài với công ty họ hay không.

Tuy nhiên, nhiều ứng viên Sales khi đi phỏng vấn đã bỏ qua câu hỏi này và tự cho rằng họ đã hiểu rất kỹ về công ty mà họ đang phỏng vấn.

Nhưng bạn biết đấy, có rất nhiều câu hỏi mà chỉ có DM, người phỏng vấn bạn ở vòng cuối cùng này mới có thể cho bạn câu trả lời chính xác nhất. Vì vậy, đừng ngần ngại mà bỏ qua cơ hội ngàn vàng này nhé. Hãy đặt câu hỏi thật sâu sắc và ghi điểm với họ.

Thực hành các tình huống phỏng vấn bất ngờ

Đối với vị trí Sales, để tìm được ứng viên phù hợp nhất, nhà tuyển dụng có thể đưa cho bạn những tình huống bất ngờ để bạn giải quyết. Một lời khuyên cho bạn: nếu gặp các tình huống khó, hãy ghi ra cuốn sổ nhỏ, hiểu được đúng đề bài trước khi giải quyết tình huống.

Bạn nên tóm tắt lại đề bài và xác nhận lại một lần nữa với nhà tuyển dụng, sau đó bạn bắt đầu đưa ra các phương án giải quyết, tránh trường hợp trả lời lan man hoặc lạc đề.

Nếu đó là tình huống bán hàng thì việc của bạn là bán theo đúng quy trình bán hàng chuyên nghiệp. Và hãy cố gắng hết sức để chốt đơn với họ tại bàn đàm phán như một khách hàng thực thụ.

Việc bạn khéo léo xử lý các lời từ chối của nhà tuyển dụng cũng sẽ là cách bạn ghi điểm trong mắt họ. Như vậy, tấm vé trúng tuyển của bạn sẽ rất cao.

Ví dụ: Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đưa ra cho bạn đề bài bán 1 dòng sản phẩm. Họ đưa một số đặc điểm cũng như lợi ích sản phẩm và nhiệm vụ của bạn là bán dòng sản phẩm chỉ trong vòng vài phút chuẩn bị.

Vì chưa tự tin và cũng không cố gắng làm thử bài kiểm tra tình huống bán hàng. Bạn nói:

“Anh ơi, em nghĩ anh nên cho em đề tài khác. Đề bài này thực chất không khả thi. Em chưa được tham gia training bán dòng sản phẩm thuốc này của bên anh thì làm sao mà em bán ngay cho anh được. Nên em không nghĩ là mình sẽ tham gia tình huống role play này.”

Hoặc:

“Em cũng chưa có kinh nghiệm và hiểu các dòng sản phẩm mà chị giới thiệu, nên em nghĩ chắc chắn hôm nay em không chốt được chị đâu ạ”.

Nhưng một ứng viên khác, nếu tự tin họ sẽ nói:

“Em đã sẵn sàng. Em sẽ làm hết sức để chốt được hợp đồng với chị trước khi kết thúc buổi gặp hôm nay ạ.”

Thực tế, khi nhà tuyển dụng đưa cho bạn câu hỏi, họ muốn quan sát xem bạn có chấp nhận thử thách không, cách bạn chào hàng và bán sản phẩm cũng như bám đuổi mục tiêu đến cùng như thế nào.

Có thể bạn không biết nhưng tinh thần nỗ lực, bám đuổi đến cùng đôi khi lại là thứ họ đang mong đợi ở bạn chứ không phải một lời chốt Sales khéo léo.

Do đó, đừng bao giờ từ bỏ. Khi cuộc phỏng vấn chưa kết thúc nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội.

Hãy giữ vững phương châm “Có gì bán đó”.

Nếu bạn có kinh nghiệm, hãy giải quyết tình huống bằng kinh nghiệm. Nếu bạn là “tay mơ”, hãy giải quyết tình huống bằng trực giác mà bạn nghĩ là đúng đắn với một tinh thần cầu thị.

Và để không quá bất ngờ với những câu hỏi khó nhằn như vậy thì cách tốt nhất là bạn nên dành thời gian đọc thêm các tài liệu trên mạng về các tình huống Sales, đặt câu hỏi trên các group hoặc tìm kiếm thêm các chia sẻ từ những người đã từng phỏng vấn tại công ty bạn sắp sửa bước vào.

Cẩn trọng khi “khoe” các cơ hội đang chờ đón bạn

“Chị có thể cho em biết khi nào bên mình sẽ có câu trả lời về kết quả phỏng vấn không ạ? Vì hiện tại em đã nhận được offer của các bên khác.”

Trong suốt quá trình phỏng vấn, nếu quan sát nhà tuyển dụng, bạn sẽ phần nào nhạy bén mà biết rằng khi kết thúc phỏng vấn mình sẽ đạt bao nhiêu % thành công.

Không biết vô tình hay cố ý, nhưng một số ứng viên dù không được hỏi vẫn khoe khoang về các công ty vừa tham gia phỏng vấn và những offer vừa nhận được (tất nhiên tính chân thực thì không thể xác định được).

Với tâm lý chung của các nhà tuyển dụng, họ không đánh giá cao điều này. Họ cho rằng bạn chưa thực sự quan tâm đến công ty họ và bạn chỉ đơn thuần “ngó nghiêng xem bên nào có mức thu nhập cạnh tranh hơn” để nhận lời mời làm việc.

Vốn dĩ, dù là ứng viên hay nhà tuyển dụng thì ai cũng chỉ mong nhận được 100% sự quan tâm của đối phương mà thôi. Không tập trung vào một mục tiêu và thích khoe mẽ có thể khiến bạn bị điểm trừ trong buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên, nếu nhà tuyển dụng chủ động hỏi bạn về các cơ hội khác đang chờ đón bạn thì bạn sẽ xử trí ra sao?

Bạn có quyền từ chối trả lời hoặc tế nhị trả lời rằng: “Hiện tại em chỉ tham gia một cuộc phỏng vấn từ công ty anh/chị. Vì em cũng cân nhắc rất kỹ trong việc quyết định nhận lời mời phỏng vấn từ công ty mới. Chỉ công việc nào thực sự thu hút em thì em mới đồng ý tham gia ạ.”

Bạn cũng hoàn toàn có quyền thành thật với câu trả lời: “Dạ. Em cũng đã tham gia phỏng vấn được 3 nơi và đã nhận được 2 offer ngày hôm qua. Nhưng vì em thấy vị trí Sales của công ty mình gần với công việc mà em mơ ước nên em quyết định cho mình thêm 1 cơ hội rồi mới quyết định ạ. Em rất hi vọng có được cơ hội làm việc tại quý công ty.”

Trả lời lịch sự nhưng cũng đồng thời nhắc khéo nhà tuyển dụng rằng “Nếu cảm thấy tôi phù hợp, hãy nhanh chóng tuyển dụng tôi và offer cho tôi một mức lương hấp dẫn. Trước khi tôi rời đi vì một offer khác kịp thời và tốt hơn.”

Tóm lại, tốt hơn hết, hãy cân nhắc trước khi chia sẻ về những cơ hội việc làm khác ngoài công ty bạn đang phỏng vấn. Và tuyệt đối đừng chủ động khoe khoang nếu bạn không muốn nhận về cái kết “đắng lòng”.

Tránh ảo tưởng về khả năng bản thân

  • “Em là một người có rất nhiều thành tích bán hàng xuất sắc. Nếu chị theo dõi FacebookLinkedIn của em chị sẽ thấy tất cả các kết quả em đều đăng lên. Vì vậy, để kể hết thì hơi khó chị ạ.”
  • “Bên chị tuyển Senior, em biết. Nhưng em mong muốn trở thành Leader. Em tin em có khả năng làm tốt vai trò Sales Leader, vì vậy, em nghĩ em trúng tuyển thì chị cho em làm Leader nhóm luôn ạ.”
  • “Em vừa đi du học về. Em muốn làm công việc Sales lương cao để bù đắp khoản phí đã bỏ ra. Công ty chị có trả được lương cứng 20 triệu cho em không?”
  • “Chị cho em hỏi bạn Sales Leader bên chị cần mấy năm lên vị trí đó… Vâng, nếu bạn cần 3 năm để lên thì em cần 1-2 năm sẽ ở vị trí đó.”

Trên đây chỉ là một số ví dụ trong rất nhiều những câu trả lời mà Hồng Anh được nghe trong suốt những năm làm nghề.

Đáng buồn là dù đã qua rất nhiều năm nhưng những câu như thế này vẫn đang được nhiều bạn ứng viên Sales hồn nhiên phát ngôn trong buổi phỏng vấn.

Bạn có thể tự tin nhưng đừng bao giờ để lại ấn tượng như một người tự cao trong lòng nhà tuyển dụng.

Thực tế, ở bất kì môi trường công sở, người có tính cách khiêm tốn, biết mình là ai, ở đâu sẽ luôn được đánh giá cao hơn là những người nói nhiều và tự hào thái quá về bản thân nhưng làm không có kết quả.

Một lần nữa, hãy luôn thể hiện thái độ cầu thị để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Viết thư (email) cảm ơn nhà tuyển dụng

Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn đã trả lời toàn bộ các câu hỏi của nhà tuyển dụng một cách xuất sắc. Vậy nghĩa là cuộc phỏng vấn đã hoàn toàn dừng lại ở đó?

Không. Thực tế thì khoảng thời gian sau đó, nhà tuyển dụng vẫn sẽ dành thời gian để cân nhắc các ứng viên và đưa ra sự lựa chọn.

Chính vì vậy, việc viết một bức thư cảm ơn ngay sau khi kết thúc buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn gây được ấn tượng lần nữa với nhà tuyển dụng.

Thời gian tối ưu nhất để gửi thư cảm ơn là ngay sau khi bạn kết thúc buổi phỏng vấn và quay trở về nhà.

Nội dung gợi ý:

– Cảm ơn nhà tuyển dụng
– Thể hiện sự vui mừng khi hiểu thêm về công ty/ngành nghề/vị trí mà họ đang tuyển
– Mong sớm nhận được phản hồi từ họ

Sẽ thật vui và ấn tượng nếu nhà tuyển dụng nhận được email như bên dưới:

Dear chị Hồng Anh,

Em cảm ơn chị đã dành thời gian cho em trong buổi phỏng vấn sáng nay.

Qua buổi trao đổi với chị, em đã hiểu thêm công ty ITviec và vị trí tuyển Customer Love Account Manager tại ITviec.

Em rất hào hứng khi có cơ hội được làm việc tại ITviec và giúp hàng ngàn khách hàng của quý công ty tuyển dụng thành công.

Em tin rằng với kinh nghiệm và sự đam mê trong công việc hỗ trợ khách hàng của mình sẽ giúp quý công ty mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.

Em mong sớm nhận được phản hồi của bên mình.

Nếu chị cần thêm bất kì thông tin nào về em thì cứ báo em biết nhé.

Chúc ITviec ngày càng thành công ạ.

Trân trọng,

Em Phương Quyên
—-

Việc trúng tuyển tại một công ty mơ ước sẽ giúp bạn mở ra một cánh cửa thành công trong sự nghiệp. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật tốt, đầu tư hình ảnh, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ cho các buổi phỏng vấn quan trọng.

Hồng Anh tin rằng, với những bài học kinh nghiệm ở trên, bạn hoàn toàn có thể “phỏng vấn đâu trúng đó”.

Nếu có thắc mắc nào cần giải đáp, bạn hãy thoải mái để lại bình luận bên dưới.

Và hãy theo dõi Tiger Sales để đón nhận thêm những bài viết hữu ích cho công việc Sales của bạn nhé

Facebook
LinkedIn

14 bình luận

  1. Bài viết rất hữu ích cho các bạn trước khi bắt đầu 1 cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Những ví dụ cụ thể chi tiết đã giúp mình hiểu hơn khi tương tác với người phỏng vấn để có một cuộc phỏng vấn hiệu quả.

  2. Cảm ơn bài viết rất chi tiết của chị Hồng Anh!

    Em thấy phần viết email cảm ơn sau buổi phỏng vấn rất hay & đặc biệt chị ạ. Không phải bạn ứng viên nào cũng làm được điều này. Em cũng có thể lấy làm kinh nghiệm của cá nhân mình không chỉ trong vấn đề đi xin việc mà còn ứng dụng trong nhiều vấn đề khác nữa.

  3. Cảm ơn bài viết rất chi tiết của chị Hồng Anh. Qua bài viết này em tin rằng các bạn ứng viên dù mới ra trường hay đã qua nhiều cuộc PV thì cũng sẽ cho mình những hành trang chu đáo và đầy tự tin khi tham gia PV bất kỳ công ty nào

  4. Nếu có cơ hội apply vị trí Sales bên mình, em vẫn muốn thử sức áp dụng các tips chị chia sẻ trên. Thực sự apply hồ sơ vào ITviec khá khó nhưng trải qua các vòng phỏng vấn bên mình và được đến vòng chị Hồng Anh, thực sự rất đáng giá. Các anh/ chị từng vòng cũng đưa ra những góp ý để cải thiện và đặc biệt ở vòng chị đã giúp em hiêu được điểm cần cải thiện và khắc phục khi làm ngành Sales. Mặc dù không nhiều nhưng cũng đủ hiêu chị đánh giá và góp ý thẳng thắn cho em, giúp công việc sau của em tốt hơn.

    Mong đợi nhiều bài viết từ chị, nếu được chị hãy chỉ ra những lỗi ứng viên hay gặp phải để những người chuẩn bị đi phỏng vấn có thể tránh gặp phải.

    Em cám ơn!

  5. e vẫn nhớ lời khuyên c dành cho e khi e đi pv công việc cũ. mới vừa rồi e có đi pv cho cv mới, e vẫn sd những lời khuyên đóa c ạ. Và e đã được làm cv e mong muốn. hihi. e cảm ơn c lần nữa 😘

Bình luận về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Always Be Closing

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỂ NHẬN CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT TỪ HỒNG ANH